Hệ thống chỉ đường nhanh
Giúp bạn đến shop nhanh nhất có thể
Nếu bạn đang có nhu cầu tổ chức một buổi biểu diễn ngoài trời như sảnh cưới, sự kiện, sân khấu, hệ thống nghe nhạc cho quán cà phê sân vườn … thì việc lựa chọn cũng như lắp đặt các thiết bị là điều quan trọng cần phải lưu ý để sở hữu một hệ thống âm thanh tuyệt vời nhất. Những kinh nghiệm mà Sóng Nhạc chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để sở hữu một dàn âm thanh ngoài trời phù hợp với nhu cầu và không gian của mình.
Nhìn chung, bộ dàn âm thanh ngoài trời thường được cấu thành từ một số thiết bị cơ bản như loa công suất lớn, loa sub, mixer, power amplifier. Tuy nhiên nếu bạn muốn trang bị bộ dàn đầy đủ nhất thì có thể phối ghép thêm các thiết bị khác như micro, đầu đĩa...
Bạn phải tính toán làm sao các thiết bị này phải tương thích nhau về vấn đề kỹ thuật như công suất, trở kháng. Đặc biệt là power amplifier (cục đẩy công suất) và loa.
Ngoài ra bạn cũng cần tính toán đến không gian ngoài trời và quy mô sự kiện. Mỗi không gian âm thanh khác nhau thì yêu cầu của bộ dàn sử dụng cũng khác nhau. Thông thường với không gian âm thanh càng lớn thì các thiết bị sử dụng càng nhiều, công suất càng lớn.
Ví dụ như với diện tích sử dụng là 50m2, bạn chỉ cần đầu tư 2 cặp loa. Nhưng với diện tích sử dụng là 100m2, bạn cần phải nâng bộ dàn lên 4 cặp loa có cùng công suất mới đảm bảo được chất lượng âm thanh. Có một lưu ý là nếu bạn nâng công suất cặp loa lên hãy tính toán để phù hợp với công suất của cục đẩy để bộ dàn hoạt động tốt nhất. Hơn nữa, với không gian rộng lớn, bạn nên sử dụng micro không dây để tiện lợi trong việc di chuyển, giao lưu với khán giả.
Bạn cũng nên chú ý đến vấn đề đồng bộ trong dàn âm thanh. Những thiết bị đến từ cùng một thương hiệu thì sẽ dễ dàng tương hợp với nhau hơn, góp phần đem đến sự hòa quyện và chất lượng âm thanh tốt nhất.
Ngoài ra, vì hệ thống âm thanh đặt ngoài trời nên thường dễ bị ảnh hưởng do các yếu tố thời tiết. Bạn nên đặt power amplifier, mixer vào nơi có bóng râm, hoặc sử dụng các vật liệu che chắn cho loa đề phòng mức nhiệt quá cao sẽ có thể gây nên tình trạng cháy nổ.
Một loa duy nhất chỉ có thể cung cấp đủ âm lượng cho một nhóm nhỏ người nghe. Còn trong không gian lớn hơn, tốt nhất là có nhiều loa đặt ở nhiều hướng của khu vực nghe nhạc để âm thanh phân bố đều. Điều này giúp bạn tránh được trường hợp âm lượng quá lớn làm chói tai ở khu vực này, nhưng chỗ khác lại thiếu âm thanh, không nghe rõ.
Tùy thuộc vào không gian của bạn mà lựa chọn dàn loa với công suất phù hợp, tránh tình trạng cảm nhận âm bass nhẹ, thiếu lực, hụt hơi khi ở ngoài trời.
Với không gian nhỏ, bạn chỉ cần bố trí 1 cặp loa full kèm chân loa là ổn. Hoặc bạn có thể thay thế chân loa bằng loa sub nếu có biểu diễn ca hát, trình diễn âm nhạc.
Với các đám cưới, sự kiện vừa phải, người ta thường chia loa ra thành các cụm loa đặt ở 2 bên sân khấu, với nguyên tắc chung là loa full sẽ đặt lên trên loa sub, vừa bổ sung âm bass cho âm thanh thêm mạnh mẽ và sắc nét cùng với đó là khiến bộ dàn gọn hơn. Nếu không gian quá dài có thể bố trí thêm loa dọc theo chiều dài để đảm bảo âm thanh cho người tham dự ngồi phía xa.
Với các sự kiện ngoài trời quy mô lớn, người ta thường sử dụng hệ thống khung treo loa, với dàn loa line array hiện đại, công suất mạnh mẽ, vừa tăng tính thẩm mỹ, vừa giúp cho âm thanh được truyền đi xa hơn.
Kết hợp với đó, bạn cũng có thể đặt thêm một số loa phía trước sân khấu phục vụ cho các khán giả đứng gần.
Ngoài ra, khi bố trí loa bạn nên lưu ý chiều cao là điểm quan trọng để xác định sự tập trung âm thanh của loa xuống dưới khu vực nghe, mang đến cho bạn âm thanh tốt hơn và âm lượng lớn hơn so với trường hợp loa được đặt ngửa lên. Thông thường, hãy đặt loa cao khoảng 3m để đảm bảo âm thanh phát ra không gây chói tai và khó chịu cho người nghe.
Nếu bạn tận dụng không gian, gắn loa dưới mái hiên nhô ra, hãy đặt loa sát bức tường, hoặc tốt hơn hết là nằm trong góc. Điều này sẽ giúp bảo vệ loa khỏi tác động của thời tiết, tăng chất lượng âm thanh, âm lượng, và phản xạ bass.